Saturday, 20/04/2024 - 01:14|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Thụy Sơn

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình tổ chức chuyên đề giới thiệu sách với chủ đề “Ngày Nhà giáo Việt nam 20/11”.

Cùng với các hoạt động kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2020), Phòng Giáo dục và Đào tạo Thái Thụy, tỉnh Thái Bình tổ chức giới thiệu sách với chủ đề “Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11”.

 

        Dự buổi chuyên đề có đồng chí Đỗ Trường Sơn – Huyện ủy viên, Trưởng phòng cùng các đồng chí chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo; các đồng chí cán bộ thư viện các trường Tiểu học, THCS, TH&THCS trong toàn huyện.

Đồng chí Đỗ Trường Sơn – Huyện ủy viên – Trưởng Phòng GD&ĐT

phát biểu trong Hội nghị

        Từ bao đời nay, “Tôn sư trọng đạo” luôn là nét đẹp văn hóa truyền thống được các thế hệ người Việt Nam kế thừa và phát triển. Bác Hồ đã từng nói: “Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”. Đúng vậy, người thầy mang một sứ mệnh cao quý – người lái đò âm thầm, lặng lẽ ươm mầm xanh cho đất nước, rèn luyện các thế hệ trẻ cả đức lẫn tài để trở thành lực lượng có trình độ học vấn, có nhân cách sống đẹp. Những ai từng ngồi trên ghế nhà trường, dù ít, dù nhiều cũng mang trong mình những tình cảm, những kỉ niệm về thầy cô.Những kỷ niệm có khi là niềm vui, có khi là sự hối lỗi, đôi khi lại là sự tri ân chưa kịp nói lên lời. Và tất cả những cung bậc cảm xúc ấy được thể hiện vô cùng sâu sắc qua cuốn sách “Tâm huyết nhà giáo” do Bộ Giáo dục và Đào tạo – Hội Nhà văn Việt Nam – Công đoàn Giáo dục Việt Nam – Nhà xuất bản Giáo dục phối hợp biên tập. Đây là cuốn sách tập hợp những mẩu chuyện tiêu biểu của các thí sinh tham gia “Cuộc thi viết truyện ngắn về Nhà giáo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Các tác giả đã gửi đến những câu chuyện kể có thật, cùng những cảm xúc dạt dào, những kỷ niệm khó phai về những người thầy kính yêu.

Em Nguyễn Thu Hằng trường THCS Thụy Liên giới thiệu cuốn sách

“Tâm huyết nhà giáo”

        Bất kỳ ngày lễ tri ân nào cũng đều là những ngày lễ ý nghĩa, tuy nhiên, 20/11 là ngày lễ đặc biệt thiêng liêng với những ai trong ngành giáo dục, những ai đang đứng trên bục giảng hay đơn giản là những bậc thầy đang truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm sống, kỹ năng sống cho nhân loại. Đọc các tác phẩm của các thế hệ học sinh viết về người thầy đã dạt dào cảm xúc, nhưng được đọc những trang viết của chính những người giữ trọng trách “trồng người” lại khiến cho người đọc có một cung bậc cảm xúc mới lạ và thú vị biết nhường nào. Với tác giả là các nhà giáo trong ngành giáo dục và đào tạo đã và đang đứng trên bục giảng các trường từ Tiểu học đến Đại học, tập thơ Tấm lòng nhà giáo  đã ghi lại được những tình cảm dạt dào về các thế hệ thầy trò, về trường xưa, bạn cũ, về sự phấn đấu gian khổ giữ vững quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước ta. Đề tài chính nổi lên của tập thơ là nhà trường, cuộc đời và hoạt động của nhà giáo, tình nghĩa thầy trò, tấm lòng của nhà giáo đối với đất nước, nhân dân, với Đảng.

Cô Hứa Thị Hòa – trường TH&THCS Thụy Dương – giới thiệu

cuốn sách Tấm lòng nhà giáo

        Cũng trong buổi chuyên đề này, một cuốn sách đặc biệt đã được đem đến để giới thiệu cùng bạn đọc. Nó đặc biệt không phải vì cuốn sách này không mang chủ đề về Ngày Nhà giáo Việt Nam mà cuốn sách đưa bạn đọc ngược dòng thời gian về với tuổi thơ, về với những làn điệu dân ca cổ truyền của dân tộc như hát ru, hò, vè; về với những trò chơi dân gian: rồng rắn lên mây, tập tầm vông, thả đỉa ba ba, chuyền thẻ... mang đậm hơi ấm của làng quê và con người Việt Nam. Đó chính là những khúc đồng dao giản đơn, bình dị, mộc mạc, nhưng cũng đầy ắp những kho tàng kinh nghiệm của cuộc sống, những bài học về luân lý, đạo đức, về tình yêu quê hương đất nước; những phương thức giao tiếp, ứng xử và cả những kỹ năng lao động. Chỉ đơn giản là những lời hát dân gian được lưu truyền và gìn giữ qua bao thế hệ, nhưng đồng dao là một nét đẹp trong kho tàng văn hóa truyền thống của người Việt và cùng với các thể loại âm nhạc dân gian khác, đồng dao chính là những “mạch ngầm” gắn kết tình cảm yêu thương, gắn kết cộng đồng. 

Cô Nguyễn Thị Thu Hưởng – trường TH&THCS Thái Tân giới thiệu cuốn sách

Đồng dao Việt Nam

        Buổi chuyên đề đã khép lại, nhưng những âm hưởng của những ca khúc, những trang sách, những vần thơ về nghề “lái đò thầm lặng”, “những kỹ sư tâm hồn” vẫn còn vang vọng. Và những kinh nghiệm về giới thiệu sách được sẻ chia cùng đồng nghiệp, với mong muốn, mỗi một cán bộ thư viện không chỉ là những phụ huynh thông thái, mà là những cán bộ thư viện thực sự nhiệt huyết, yêu nghề để hướng cho con em mình, cho những học sinh của mình đến với “chân – thiện – mỹ” qua những cuốn sách hay.

Tin bài: Bộ phận Sách – Thư viện – Phòng GD&ĐT.

Lượt xem: 11.602
Bài tin liên quan